無効なURLです

無効なURLです。
プログラム設定の反映待ちである可能性があります。
しばらく時間をおいて再度アクセスをお試しください。

Tuyên truyền kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021)

CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP 

Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của Việt Nam. Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn của dân tộc cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ông xuất thân là một giáo viên dạy Lịch sử, nhà báo và trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình ông đã từng giữ các chức vụ như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 04/10/2013) Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam!

Nói về sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông, chúng ta phải đi từ ngày niên thiếu, sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lòng yêu nước, căm thù giặc đã được hun đúc từ rất sớm và đưa ông đến với những phong trào cách mạng đầu tiên.

Những năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế. Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi Châu sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một Đảng theo chủ nghĩa Dân tộc nhưng có màu sắc Cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung nước ta. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

Đầu tháng 10 năm 1930, trong cao trào của Xô Viết Nghệ Tĩnh ông bị bắt và giam ở Nhà lao Thừa Phủ (Huế), cùng với vợ là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng,…

Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.

Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.

Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.

Sự nghiệp quân sự của ông bắt đầu từ những năm 40 của thế kỉ XX.

Ngày 3 tháng 5 năm 1940, với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ.

Trong Chính phủ Liên hiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi).

Cũng trong năm 1946, ông kết hôn với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).

Trong cuộc trường chinh chống Pháp. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.

Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Hồ Chí Minh đã nói: “Người nào đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng, đánh thắng Trung tướng thì phong Trung tướng, đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng”. Cùng đợt thụ phong có các đồng chí Nguyễn Bình được phong Trung tướng; Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong hàm Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.

Từ tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp là một trong 5 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành ủy viên Bộ Chính trị (thay thế Ban Thường vụ Trung ương) Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.

Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh Nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.

Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

Các chiến dịch mà ông đã từng tham gia mà không thể không nhắc đến, đó là:

Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch – Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp cùng với Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm tham mưu trưởng chiến dịch:

Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) 
Chiến dịch Biên giới (tháng 9 – 10, năm 1950) 
Chiến dịch Trung Du (tháng 12 năm 1950) 
Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951) 
Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 năm 1951) 
Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 năm 1951) 
Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 năm 1952) 
Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953) 
Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3 – 5 năm 1954)

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.

Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, Dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đại tướng không chỉ thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược mà còn là người tổ chức, hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, của các chuyên gia, nhà khoa học…; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.

Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng Nhân dân, là vị tướng của Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.

Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ảnh hoạt động

Truy cập

Liên hệ

0912559662

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nhà K6, Trường Đại học Tây Bắc, Tổ 2, P. Quyết Tâm, TP. Sơn La