50 ĐẤT NƯỚC HOÀN TOÀN THỐNG NHẤT
- Được viết: Thứ hai, 31 Tháng 3 2025 08:55
- Viết bởi Trung tâm GDQP
- Chuyên mục: Bài viết
- Lượt xem: 28
Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và kỷ niệm 139 năm
ngày quốc tế lao động (1/5/1886 – 1/5/2025)
Đại thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc, là mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là thành quả vĩ đại, là trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo. Chiến thắng 30/4 đã chứng minh, Việt Nam là đất nước nhỏ bé, yêu chuộng hòa bình đã đánh bại kẻ thù mạnh nhất, hung hãn nhất trên thế giới, chấm dứt ách thống trị hơn một trăm năm của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Đại thắng mùa xuân 1975 đã thể hiện đường lối cách mạng đúng đắn, trí tuệ và tài thao lược tài tình của Đảng ta, tinh thần quật khởi dân tộc trong đấu tranh chống ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất non sông đất nước, chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của thực dân, đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đi vào lịch sử nước ta và của thế giới như một trang sử chói lọi, mang tầm quốc tế và thời đại sâu sắc. Bên cạnh, chúng ta không bao giờ quên ơn sự hy sinh anh dũng của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Phát huy truyền thống Ngày 30/4, ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện thực hiện thắng lợi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Một sự kiện có ý nghĩa trọng đại phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Truyền thống đó là mạch nguồn tiếp nối để chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam mà đích đến là “dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
139 NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5
Cách đây 139 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ) đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục nghìn công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ". Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.
Ngày 20/6/1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế – xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo… Đây là cuộc mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 – 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đặc biệt đối với nước ta, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày chiến thắng lịch sử 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước cùng ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân kỷ niệm 139 năm ngày Quốc tế Lao động, giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng./.
ThS. Phạm Thành Luân
Giảng viên Bộ môn Công tác Quốc phòng và An ninh