Tuyên truyền kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886-01/5/2022)

NGÀY THỐNG NHẤT NON SÔNG

MỐC SON LỊCH SỬ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Chiến tranh đã trôi qua gần 50 năm, song trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam vẫn nhớ như in những hình ảnh, những tiếng hô vang về ngày thống nhất non sông của lớp thế hệ cha anh được sống được cống hiến cho Tổ quốc trong thời kỳ chiến tranh. Là những người con của Quê hương được sinh ra trong thời bình, thế hệ 8x, 9x chúng tôi không biết đến tiếng súng, không biết chiến tranh là gì, nhưng chúng tôi luôn tự hào và hãnh diện về Tổ quốc, về những người cha, người chú, người anh, người chị đã không tiếc nuối máu xương, hi sinh cả tuổi thanh xuân để Đất nước có được ngày hôm nay. Qua những lời kể của các bậc cha chú, của các Thầy cô giáo với những trang sách lịch sử hào hùng, những bộ phim tài liệu...chúng tôi càng thêm yêu, quý trọng những gì mà cha anh đã cống hiến và sẽ nhớ mãi những mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam ta.

Trong lịch sử dựng Nước và giữ Nước dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều kẻ thù sừng sỏ đến từ nhiều Quốc gia khác nhau trên thế giới. Với tinh thần quật khởi, ý chí mãnh liệt, quyết không để quân thù cướp nước, các thế hệ cha ông đã làm nên nhiều chiến thắng, nhiều mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc đã được cả thế giới ghi nhận. Chiến tranh đã lùi xa, sự nghiệp Cách mạng của dân tộc Việt Nam đã giành thêm nhiều thành tựu to lớn, nhưng Chiến thắng 30/4 vẫn là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh  của mỗi người dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của Dân tộc. Một lần nữa ngược dòng lịch sử để cảm nhận sâu sắc hơn những dấu ấn, những hi sinh, những thành quả mà cha ông đã giành được trong chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Trong quá khứ lãnh thổ Việt Nam từng bị chia cắt nhiều lần nhưng đáng kể nhất là hai lần chia cắt: Lần chia cắt lần một là lần chia cắt thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1600-1787), lần một bắt đầu khi chúa Nguyễn Hoàng ly khai khỏi triều đình nhà Hậu Lê và kết thúc khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc tiêu diệt chúa Trịnh; Lần hai là lần chia cắt thời Chiến tranh Việt Nam (1954-1976), lần này bắt đầu từ Hiệp định Genève 1954 cho đến khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975 và Việt Nam thống nhất trong hòa bình về mặt Nhà nước ở năm 1976. Trên danh nghĩa thì Việt Nam chưa bao giờ bị chia cắt thành các quốc gia riêng biệt. Vào thời chúa Trịnh và chúa Nguyễn phân tranh thì hai miền Đàng Ngoài và Đàng Trong vẫn tuyên bố trung thành với nhà Hậu Lê và Hoàng đế nhà Lê vẫn được cả chúa Trịnh - chúa Nguyễn công nhận là vua cai trị toàn bộ nước Việt Nam. Lần chia cắt thời chiến tranh Việt Nam, giới tuyến quân sự tạm thời được quy định trong Hiệp định Genève không được coi là biên giới quốc gia hay nhà nướcchính trị mà chỉ là ranh giới hòa bình tạm thời giữa hai vùng tập kết quân đội chính thức; Cả Hà Nội lẫn Sài Gòn lúc đó cũng tuyên bố là chỉ có một nước và dân tộc Việt Nam duy nhất dựa trên Hiến pháp và theo ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh với những hi sinh mất mát không thể đo đếm được đã để lại cho dân tộc, cho mọi thế hệ người dân Việt Nam về sau nhiều bài học quý cùng những mốc son chới lọi về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong những chiến thắng oanh liệt đó thì Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là chiến thắng vĩ đại nhất, phản ánh nghị lực phi thường, tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và ý chí thống nhất Tổ quốc không gì lây chuyển nổi của dân tộc ta. Mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển của Đất nước ta. Trong từng giai đoạn phát triển của dân tộc, những mốc son lịch sử, những trận đánh oanh liệt của cha anh luôn được Đảng, Nhà nước và mọi người dân ghi nhớ và coi đó là niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam. Để khẳng định điều này Đại hội lần thứ IV của Đảng đã nêu rõ “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Chiến thắng 30/4/1975 đối với dân tộc Việt Nam không phải là một thắng lợi dễ dàng. Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn ác đó của đế quốc Mỹ là sự hi sinh mất mát của hàng triệu đồng bào, hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống, hàng ngàn làng mạc, thành phố đã bị san phẳng. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng đã thuộc về chính nghĩa, lẽ phải, chúng ta đã chứng minh cho kẻ thù thấy được sưc mạnh của một dân tộc anh hùng. Có nhiều nguyên nhân tạo nên chiến thắng nhưng trong đó, việc phát huy cao độ truyền thống yêu nước và giương cao ngọn cờ chính nghĩa, đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng, khát vọng hòa bình, giải phóng dân tộc của nhân dân ta là một trong những nguyên nhân mang tính quyết định. Đó cũng là thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là một trong những giá trị cao cả của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã quá rõ ràng, không thể bị phủ nhận, lẫn lộn trắng đen.

Thời gian sẽ dần trôi qua, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam sẽ giành thêm nhiều thành tựu to lớn, song  Chiến thắng 30/4 vẫn là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi trở ngại, vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi huy hoàng, khẳng định vị thế và uy tín trên trường quốc tế, sánh vai với các cường quốc phát triển trên thế giới. Chúng ta không cho phép bất cứ ai, với danh nghĩa gì được phép xuyên tạc, bóp méo lịch sử Ngày chiến thắng 30/4/1975. Đối với mọi thế hệ người dân Việt Nam sẽ luôn khắc ghi và nhớ về ngày thống nhất, mốc son lịch sử không thể nào quên.

Tác giả: Giảng viên Lò Ngay Xuân

Bộ môn: Kỹ thuật - Chiến thuật – Quân sự chung

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TUYÊN TRUYỀN LỄ KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10/1930 - 20/10/2021

Trải qua bao đêm trường thế kỉ của chiến tranh, chống chế độ phong kiến bất công, hình ảnh người mẹ, người chị Việt Nam vẫn luôn sáng ngời rạng rỡ. Họ càng chứng minh được phẩm chất của mình là những đóa sen đẹp dịu dàng, thanh khiết.

Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua những chặng đường dài của lịch sử vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm. Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha già mẹ yếu. Là chỗ dựa cho gia đình trong nhiều phương diện cuộc sống. Có vai trò người yêu, người vợ, người mẹ, người phụ nữ luôn được yêu thương và chiếm vị trí quan trọng trong mọi tầng lớp người Việt. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được dân gian lưu truyền trở nên rất gần gũi và đầy tình yêu thương.

Từ ngàn xưa: Đó là hình ảnh mẹ Âu Cơ sinh được 100 trứng nở 100 con, vì nghiệp lớn, đưa 50 con lên rừng mở nước, dạy dân dựng làng; bà mẹ Thánh Gióng kiên trì nuôi dạy đứa con “chậm nói, chậm đi” để đến một ngày người con đó trở thành anh hùng của dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Xem tiếp...

Video giới thiệu về Trung tâm GDQP & ANSV Tây Bắc

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video Clip giới thiệu Trung tâm:

Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG (30/4) VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5)

  1. Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG (30/4)

Cách đây 46 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.      

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là đỉnh cao cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất của quân và dân ta từ đầu tháng 3 đến ngày 30 tháng 4, đã nhanh chóng đập tan hang ổ cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn trong một thời gian rất ngắn, tiêu diệt, làm tan rã và bắt toàn bộ lực lượng của địch, đánh đổ toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai từ trung ương đến địa phương, kết thúc toàn thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của toàn miền, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Hay đánh giá của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra.

  1. Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5)

Hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tại Việt Nam, đây là một ngày mà mọi người dân ai ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi không phải làm việc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được lịch sử cũng như ý nghĩa trọng đại của ngày Quốc tế Lao động, nhất là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ .... phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát ừiển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Năm 1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.

Ngày 1-5-1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ” công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tố chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động.

Ngày 3/5/1886, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức bãi công mít tinh, biểu tình nhưng những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 bị thương nặng, gây chấn động thành phố.

Ngày 4/5/1886, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở Quảng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. Lấy cớ đó chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.

Những cuộc biểu tình tại Chi-ca-gô diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan... tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

Hơn một năm sau, ngày 11/11/1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.

Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ, nay là Liên bang Nga) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.

Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tác giả: Th.S Trần Mạnh Nguyên

 

 

 

 

Ảnh hoạt động

Truy cập

Liên hệ

0912559662

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nhà K6, Trường Đại học Tây Bắc, Tổ 2, P. Quyết Tâm, TP. Sơn La